Đạo lý tối hậu của Thiền
Một ông tăng hỏi Huyền Sa, “Khi các sư xưa giảng Pháp không lời bằng cái chùy hay cây phất tử, thì các ngài có chỉ bày đạo lý tối hậu của Thiền không?” Huyền Sa đáp, “Không.” Ông tăng hỏi tiếp, “Vậy lúc ấy các ngài chỉ bày cái gì ?” Huyền Sa giơ cây phất tử lên. Ông tăng hỏi, “Thế nào là đạo lý tối hậu của Thiền?” Huyền Sa đáp, “Đợi đến khi ông ngộ đã.”
Như Huyễn: Ông tăng này giống như những người khác, bám vào thành kiến của mình như là giải pháp khả hữu duy nhất. Huyền Sa đã tìm cách thay đổi ý nghĩ này khi sư nói, “Không.” Ông tăng vẫn không thể giải thoát mình khỏi quan niệm cứng ngắt này dù với lời chỉ dạy sống động ở ngay trước mặt. Khi hỏi về đạo lý tối hậu của Thiền, ông ta giống như người đang đứng trước tòa thị sảnh mà hỏi thành phố ở chỗ nào. Huyền Sa bỏ cuộc và nói, “Đợi đến khi ông ngộ đã.”
Genro: Nếu tôi là Huyền Sa, tôi đã ném cây phất tử đi thay vì nói một câu nhạt nhẽo như vậy.
Fugai: Lời của thầy tôi [Genro] có thể giúp Huyền Sa, nhưng tiếc thay ông đã dùng dao mổ trâu để chặt gà.